Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm B17 thực tập ngành nghề tại doanh nghiệp

30/06/2020 14:17:05 | Người đăng tin: hvqcanh
Căn cứ vào chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, trình độ Đại học của trường ĐH Kiên Giang; Căn cứ vào kế hoạch giảng dạy và đề cương chi tiết học phần Thực tập ngành nghề của Khoa Khoa học thực phẩm và sức khoẻ, ĐH Kiên Giang; Nay Khoa Khoa học Thực phẩm và Sức khoẻ, ĐH Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện học phần Thực tập ngành nghề cho lớp B17TP, được giảng dạy trong học kỳ hè, năm học 2019-2020.

Thực tập tại doanh nghiệp là quá trình cung cấp kinh nghiệm thực tế cho sinh viên chuẩn bị bắt đầu một công việc sau này. Mục tiêu của học phần là tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội gắn kết lý thuyết đã học với môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên đa phần các bạn sinh viên khi chuẩn bị đi thực tập đều rất bỡ ngỡ về việc chọn nơi thực tập và những điều cần biết để có thể giao tiếp ứng xử trong môi trường Doanh nghiệp.

Sinh viên B17TP thực tập tại siêu thi Mega Rạch Giá

Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty. Các thực tập sinh sẽ làm việc chung với các nhân viên khác nhưng không phải để thay thế cho các vị trí chính thức. Thực tập không chỉ là quá trình giúp bạn có được kiến thức, kinh nghiệm thực tế về một lĩnh vực chuyên môn. Thực tập chính là cơ hội để bạn quan sát và trải nghiệm công việc hàng ngày tại một công ty, tìm hiểu về văn hóa và môi trường làm việc. Có thể những gì bạn nghĩ sẽ hoàn toàn khác với thực tế, vì vậy thực tập là một bước quan trọng để bạn có thời gian định hướng và phát triển sự nghiệp sau khi ra trường.

Những việc cần chuẩn bị trước khi đi thực tập:

- Củng cố lại kiến thức chuyên môn đã học để đi sâu nghiên cứu, thực hành tại doanh nghiệp

- Trau dồi và rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,...

- Tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp để có cách ứng xử và thái độ tác phong phù hợp

- Hiểu rõ về kế hoạch thực tập (thời gian thực tập, báo cáo thực tập, hỗ trợ từ phía nhà trường và doanh nghiệp,…) và đơn vị mình đến thực tập

Những việc cần làm trong khi thực tập:

- Tuân thủ đủ thời gian thực tập theo kế hoạch

- Nắm vững kiến thức chuyên ngành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm việc cho bản thân

- Chấp hành đúng nội quy nơi thực tập, đảm bảo kỷ luật lao động, có trách nhiệm trong công việc, luôn trung thực trong lời nói và hành động góp phần giữ vững chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường

- Tạo ấn tượng tốt với doanh nghiệp, làm việc như một nhân viên thực thụ, vui vẻ hòa đồng với mọi người tại nơi thực tập

- Chủ động tiếp cận công việc, sẵn sàng hỗ trợ các anh chị đồng nghiệp để có thể hoàn thành các công việc chung, tự khẳng định năng lực bản thân

- Thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình thực tập và ghi chép đầy đủ nhật ký công việc để có đủ tư liệu báo cáo

Những việc cần thực hiện sau khi thực tập:

- Nộp báo cáo thực tập có đánh giá kết quả của doanh nghiệp cho khoa chuyên môn

- Duy trì và tiếp tục phát triển các mối quan hệ với các anh chị tại doanh nghiệp nhằm chuẩn bị cho cơ hội tìm kiếm việc làm sau này

Sinh viên thực tập tại doanh nghiệp

Những lưu ý cần tránh khi thực tập:

- Nghỉ thực tập không có phép hoặc tự ý thay đổi chỗ thực tập

- Có những biểu hiện không tốt về đạo đức, tác phong tại nơi thực tập, ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường

- Xâm nhập mạng máy tính của đơn vị thực tập, lấy cắp thông tin của đơn vị thực tập hoặc tự ý sao chép dữ liệu, các phần mềm của cơ quan thực tập khi chưa được cho phép

- Gian dối trong thực tập, chép báo cáo của người khác

- Không được tự tiện sử dụng các trang thiệt bị tại đơn vị thực tập. Nếu sử dụng thiếu trách nhiệm làm hư hỏng thiết bị phải chịu kỷ luật và bồi thường